Vì có bẩy thể, nên cũng có bẩy luân xa, các trung tâm năng lượng, và mỗi luân xa đều được nối theo cách đặc biệt với thể tương ứng của nó. Luân xa của thể vật lí là muladhar. Đây là luân xa đầu tiên và nó có việc nối toàn diện với thể vật lí. Luân xa muladhar có hai khả năng. Tiềm năng thứ nhất của nó là tiềm năng tự nhiên được trao cho chúng ta với việc sinh thành; khả năng kia của nó là thu được qua thiền.
Khả năng tự nhiên cơ sở của luân xa này là thôi thúc dục của thể vật lí. Chính vấn đề đầu tiên nảy sinh trong tâm trí của người tìm kiếm là phải làm gì đối với nguyên lí trung tâm này. Bây giờ có khả năng khác của luân xa này, và đó là brahmacharya, vô dục, điều đạt tới được thông qua thiền. Dục là khả năng tự nhiên còn brahmacharya là sự biến đổi của nó. Tâm trí càng hội tụ vào và bị ham muốn dục nắm giữ, sẽ càng khó để đạt tới tiềm năng tối thượng của brahmacharya.
Bây giờ điều này có nghĩa là chúng ta có thể sử dụng tình huống được tự nhiên trao cho chúng ta theo hai cách. Chúng ta có thể sống trong điều kiện mà tự nhiên đã đặt chúng ta vào - nhưng thế thì quá trình trưởng thành tâm linh không thể bắt đầu được - hoặc là chúng ta biến đổi trạng thái này. Nguy hiểm duy nhất trên con đường biến đổi là ở chỗ có khả năng là chúng ta có thể bắt đầu tranh đấu với trung tâm tự nhiên của mình. Cái gì là nguy hiểm thực sự trên con đường của người tìm kiếm? Chướng ngại đầu tiên là ở chỗ nếu thiền nhân chỉ mê đắm vào trật tự mọi việc của tự nhiên, người đó không thể nào vươn lên khả năng tối thượng của thể vật lí của mình và người đó trì trệ tại điểm bắt đầu. Một mặt có nhu cầu; mặt khác có kìm nén gây cho thiền nhân phải tranh đấu với thôi thúc dục. Kìm nén là chướng ngại trên con đường thiền. Đây là chướng ngại của luân xa thứ nhất. Biến đổi không thể nào tới cùng kìm nén.
Nếu kìm nén là chướng ngại, giải pháp là gì? Thế thì hiểu biết sẽ giải quyết vấn đề này. Biến đổi xảy ra bên trong khi bạn bắt đầu hiểu dục. Có lí do cho điều này. Tất cả các yếu tố của tự nhiên nằm mù quáng và vô ý thức bên trong chúng ta. Nếu chúng ta trở nên có ý thức về chúng, biến đổi bắt đầu. Nhận biết là giả kim thuật; nhận biết là giả kim thuật của việc thay đổi chúng, của việc biến đổi chúng. Nếu một người trở nên nhận biết về ham muốn dục của mình với toàn bộ cảm giác của mình và toàn bộ hiểu biết của mình, thế thì brahmacharya sẽ bắt đầu sinh thành bên trong người đó ở vị trí của dục. Chừng nào mà một người còn chưa đạt tới brahmacharya trong thể thứ nhất của mình, vẫn còn khó khăn để làm việc với tiềm năng của các trung tâm khác.
Thể thứ hai, như tôi đã nói, là thể xúc động hay thể ê te. Thể thứ hai được nối với luân xa thứ hai, luân xa svadhisthan. Luân xa này nữa cũng có hai khả năng. Về cơ bản, tiềm năng tự nhiên của nó là sợ hãi, căm ghét, giận dữ và bạo hành. Tất cả những điều này đều là những điều kiện thu được từ tiềm năng tự nhiên của luân xa svadhisthan. Nếu một người trì trệ tại thể thứ hai, thế thì những điều kiện đối lập trực tiếp của biến đổi - tình yêu, từ bi, dũng cảm, thân thiện - không xảy ra. Chướng ngại trên con đường của thiền nhân trong luân xa thứ hai là căm ghét, giận dữ và bạo hành, và vấn đề là việc biến đổi chúng.
Ở đây nữa cùng sai lầm bị phạm phải. Một người có thể trút giận dữ của mình ra; người khác có thể kìm nén giận dữ của mình. Một người có thể chỉ sợ hãi; người khác có thể kìm nén sợ hãi của mình và phô bầy dũng cảm. Nhưng cả hai đều không dẫn tới biến đổi. Khi có nỗi sợ nó phải được chấp nhận; chẳng hữu dụng gì mà che giấu hay kìm nén nó. Nếu có bạo hành bên trong chẳng hữu dụng gì trong việc che đậy nó bằng khăn choàng bất bạo hành. Hô khẩu hiệu bất bạo hành sẽ không đem tới thay đổi trong trạng thái bạo hành bên trong. Nó vẫn còn bạo hành. Nó là điều kiện được tự nhiên trao cho chúng ta trong thể thứ hai. Nó có cái dụng của nó cũng như có nghĩa cho dục. Qua một mình dục các thể vậy lí khác có thể cho việc sinh thành. Trước khi thể vật lí này sụp đổ, tự nhiên đã tạo ra thứ dự trữ cho việc sinh thành ra thể vật lí khác.
Sợ hãi, bạo hành, giận dữ, tất cả đều cần thiết trên bình diện thứ hai; bằng không, con người có thể không tồn tại được, không thể bảo vệ được bản thân mình. Sợ hãi bảo vệ người đó, giận dữ đưa người đó vào trong cuộc vật lộn chống lại người khác và bạo hành giúp cho người đó cứu bản thân mình khỏi bạo hành của người khác. Tất cả những điều này đều là phẩm chất của thể thứ hai và là cần thiết cho sự sống còn, nhưng nói chung chúng ta dừng lại ở đây và không đi xa thêm. Nếu một người hiểu được bản chất của sợ hãi, người đó đạt tới bạo dạn, và nếu người đó hiểu bản chất của bạo hành, người đó đạt tới bất bạo hành. Tương tự, bằng hiểu biết giận dữ chúng ta phát triển phẩm chất bao dung.
Thực tế, giận dữ là một mặt của đồng tiền, bao dung là mặt kia. Chúng mặt nọ lẩn sau mặt kia - nhưng đồng tiền phải được lật lại. Nếu chúng ta đi tới biết hoàn toàn mặt này của đồng tiền, tự nhiên chúng ta trở nên tò mò muốn biết mặt bên kia là gì - và do vậy đồng tiền lật lại. Nếu chúng ta giấu đồng tiền và giả vờ chúng ta không sợ hãi, không bạo hành bên trong, chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể biết được bạo dạn và bất bạo hành. Người chấp nhận sự hiện diện của sợ hãi bên trong bản thân mình và người đã nghiên cứu nó tường tận sẽ sớm đạt tới chỗ người đó sẽ muốn tìm ra cái gì nằm đằng sau nỗi sợ. Tò mò của người đó sẽ động viên người đó nhìn sang phía bên kia của đồng tiền.
Khoảnh khắc người đó lật nó lên, người đó trở thành không sợ hãi. Tương tự, bạo hành sẽ biến thành từ bi. Đây là những tiềm năng của thể thứ hai. Do vậy, thiền nhân phải đem biến đổi vào trong những phẩm chất mà tự nhiên trao cho anh ta. Và với điều này không cần phải đi vòng hỏi người khác; người ta phải giữ việc tìm kiếm và hỏi bên trong bản thân mình. Tất cả chúng ta đều biết rằng giận dữ và sợ hãi là trở ngại - bởi vì làm sao kẻ hèn nhát có thể tìm kiếm được chân lí? Kẻ đó sẽ cầu xin chân lí; kẻ đó sẽ muốn rằng ai đó sẽ đem nó cho mình mà mình không phải đi vào mảnh đất chưa biết.
Thể thứ ba là thể vía. Thể này cũng có hai chiều. Về căn bản, thể thứ ba xoay quanh hoài nghi và suy nghĩ. Nếu những điều này được biến đổi, hoài nghi trở thành tin cậy và suy nghĩ trở thành vivek, nhận biết. Nếu hoài nghi bị kìm nén bạn chẳng bao giờ đạt tới shraddha, tin cậy, mặc dầu chúng ta được khuyên hãy kìm nén hoài nghi và tin vào điều ta nghe. Người kìm nén hoài nghi của mình chẳng bao giờ đạt tới tin cậy, bởi vì hoài nghi vẫn còn hiện diện bên trong mặc dầu bị kìm nén. Nó sẽ lẻn bên trong tựa như ổ ung thư và gặm nhấm sinh lực của bạn. Niềm tin được cấy vào vì nỗi sợ hoài nghi. Chúng ta sẽ phải hiểu phẩm chất của nghi ngờ, chúng ta sẽ phải sống nó và đi cùng nó. Thế thì rồi một ngày nào đó chúng ta sẽ đạt tới điểm mà tại đó chúng ta sẽ bắt đầu có hoài nghi về chính bản thân việc hoài nghi. Khoảnh khắc chúng ta bắt đầu hoài nghi bản thân việc hoài nghi, tin cậy bắt đầu.
Chúng ta không thể nào đạt tới sự sáng tỏ phân biệt mà không đi qua quá trình suy nghĩ. Có những người không nghĩ và những người cổ vũ họ không nghĩ. Họ nói, "Đừng nghĩ; hãy bỏ mọi ý nghĩ." Người chấm dứt việc suy nghĩ tự mình tiếp đất vào dốt nát và niềm tin mù quáng. Đây không phải là sáng tỏ. Quyền năng của việc phân biệt chỉ có được sau khi đã trải qua phần lớn các quá trình suy nghĩ tinh tế nhất. Đâu là ý nghĩa của vivek, phân biệt? Hoài nghi bao giờ cũng hiện diện trong ý nghĩ. Nó bao giờ cũng lưỡng lự. Do đó, những người nghĩ rất nhiều chẳng bao giờ đi tới quyết định. Chỉ khi họ bước ra khỏi bánh xe của ý nghĩ họ mới có thể quyết định. Quyết định tới từ trạng thái sáng tỏ ở bên ngoài ý nghĩ.
Ý nghĩ không có mối nối nào với quyết định. Người bao giờ cũng mê mải trong ý nghĩ chẳng bao giờ đạt tới quyết định. Đó là lí do tại sao điều thường xảy ra là những người có cuộc sống ít bị ý nghĩ chi phối rất quyết đoán, trong khi những người nghĩ rất nhiều lại thiếu quyết tâm. Có nguy hiểm trong cả hai loại người này. Những người không nghĩ cứ xông lên và làm bất kì cái gì họ quyết tâm làm, bởi lí do đơn giản là họ không có quá trình suy nghĩ để tạo ra hoài nghi bên trong.
Người giáo điều và người cuồng tín trên thế giới là những người rất tích cực và hăng hái; với họ không có vấn đề về hoài nghi - họ chẳng bao giờ suy nghĩ! Nếu họ cảm thấy rằng cõi trời được đạt tới bằng việc giết một nghìn người, họ sẽ dừng lại chỉ sau khi đã giết một nghìn người và không dừng lại trước lúc đó. Họ chưa bao giờ dừng để suy nghĩ về điều họ đang làm cho nên chẳng bao giờ có lưỡng lự về phần họ. Một người hay nghĩ, ngược lại, sẽ cứ suy nghĩ mãi thay vì ra bất kì quyết định nào.
Nếu chúng ta đóng cánh cửa của mình đối với nỗi sợ ý nghĩ, chúng ta sẽ bị bỏ lại chỉ với những niềm tin mù quáng. Điều này là rất nguy hiểm và là chướng ngại lớn trên con đường của thiền nhân. Điều được cần tới là có suy xét khôn ngoan với đôi mắt mở to và các ý nghĩ rõ ràng, quả quyết, và điều đó cho phép chúng ta ra quyết định. Đây là ý nghĩa của vivek: sáng tỏ, nhận biết. Nó có nghĩa là sức mạnh suy nghĩ là hoàn chỉnh. Nó có nghĩa chúng ta đã trải qua các ý nghĩ chi tiết đến mức tất cả các hoài nghi đều bị xoá sạch. Bây giờ chỉ còn lại quyết định thuần khiết trong bản chất của nó.
Luân xa liên quan tới thể thứ ba là manipur. Hoài nghi và tin cậy là hai dạng của nó. Khi hoài nghi được biến đổi tin cậy là kết quả. Nhưng hãy nhớ, tin cậy không phải là đối lập hay mâu thuẫn với hoài nghi. Tin cậy là sự phát triển thuần khiết nhất và tối thượng nhất của nó. Nó là cực điểm tối thượng của hoài nghi, nơi mà ngay cả hoài nghi cũng trở nên bị mất đi bởi vì ở đây hoài nghi bắt đầu hoài nghi bản thân nó và theo cách này nó tự tử. Thế thì tin cậy được sinh ra.
Bình diện thứ tư là thể trí hay hồn và luân xa thứ tư, anahat, được nối với thể thứ tư. Phẩm chất tự nhiên của bình diện này là tưởng tượng và mơ. Đây là điều mà tâm trí bao giờ cũng làm: tưởng tượng và mơ. Nó mơ trong đêm và ban ngày nó mơ ngày. Nếu tưởng tượng được phát triển đầy đủ, tức là nói nếu nó được phát triển tới hết cỡ của nó, theo một cách đầy đủ, nó trở thành quyết tâm, ý chí. Nếu mơ phát triển đầy đủ, nó được biến đổi thành linh ảnh - linh ảnh hồn. Nếu khả năng mơ của con người được phát triển đầy đủ, người đó chỉ cần nhắm mắt và người đó có thể thấy mọi thứ. Thế thì người đó thấy được thậm chí xuyên qua tường. Ban đầu người đó chỉ mơ thấy bên ngoài bức tường; về sau người đó thực tế thấy bên ngoài nó. Bây giờ người đó chỉ có thể đoán điều bạn đang nghĩ, nhưng sau biến đổi người đó thấy điều bạn nghĩ. Linh ảnh nghĩa là thấy và nghe những cái mà không dùng giác quan thông thường. Các giới hạn về thời gian và không gian không còn nữa đối với người phát triển linh ảnh.
Trong mơ bạn du hành nơi xa. Nếu bạn đang ở Bombay, bạn tới Calcutta. Trong linh ảnh bạn cũng có thể du hành khoảng cách xa, nhưng sẽ có sự khác biệt: trong mơ bạn tưởng tượng bạn đã đi, trong khi trong linh ảnh bạn thực đi. Thể hồn, thứ tư thực tại có thể hiện diện ở đó. Vì chúng ta không có ý tưởng nào về khả năng tối thượng của thể thứ tư này, chúng ta đã bỏ qua khái niệm cổ đại về mơ trong thế giới ngày nay. Kinh nghiệm cổ đại là ở chỗ trong mơ một trong các thể của con người thoát ra khỏi người đó và tiến hành cuộc hành trình.
Có một người, Swedenborg, được mọi người coi là một tay mơ. Ông ấy hay nói về cõi trời và địa ngục và rằng chúng chỉ có thể tồn tại trong mơ. Nhưng một buổi chiều, khi ông ấy thiếp đi, ông ấy bắt đầu kêu to: "Cháy! Cháy! Nhà tôi cháy rồi." Mọi người xô đến, nhưng không có đám cháy nào ở đó. Mọi người đánh thức ông ấy dậy để đảm bảo cho ông ấy là đấy chỉ là mơ và không có nguy hiểm gì về cháy cả. Tuy nhiên ông ấy cứ khăng khăng rằng nhà ông ấy bị cháy. Nhà ông ấy ở cách xa gần năm trăm ki lô mét và nó bị bốc cháy vào thời điểm đó. Vào ngày thứ hai hay thứ ba, tin về thảm hoạ này mới tới. Nhà ông bị cháy thành tro, và nó thực cháy khi ông ấy kêu lên trong giấc ngủ. Bây giờ điều này không còn là mơ nữa mà là linh ảnh. Khoảng cách năm trăm ki lô mét không còn đó nữa. Con người này đã chứng kiến điều đã xảy ra cách xa năm trăm ki lô mét.
Bây giờ các nhà khoa học cũng thừa nhận rằng những khả năng hồn lớn lao của thể thứ tư. Bởi vì con người bây giờ đã bước ra không gian, cho nên nghiên cứu theo hướng này đã trở thành quan trọng hơn. Sự kiện vẫn còn lại là cho dù các máy móc con người đang dùng có tin cậy đến đâu đi chăng nữa, vẫn không thể nào dựa cậy vào chúng hoàn toàn được. Nếu liên lạc radio trong con tầu không gian bị dừng hoạt động, các nhà du hành vũ trụ sẽ mất tiếp xúc với thế giới vào mọi lúc. Họ sẽ không thể nào báo cho chúng ta họ đang ở đâu hay điều gì đã xảy ra với họ. Cho nên các nhà khoa học ngày nay rất sính phát triển viễn cảm và linh ảnh của thể hồn để vượt qua rủi ro này. Nếu nhà du hành vũ trụ có khả năng liên lạc trực tiếp bằng quyền năng của viễn cảm, đó sẽ là một phần của việc phát triển thể thứ tư. Thế thì việc du hành không gian có thể an toàn. Rất nhiều công trình đã được tiến hành theo hướng này.
Ba mươi năm trước đây một người khởi hành thám hiểm Bắc cực. Ông ấy được trang bị với tất cả những gì cần thiết cho liên lạc không dây. Một sự thu xếp thêm cũng đã được thực hiện mà cho tới nay vẫn còn chưa được biết tới. Một người đồng có khả năng thể thứ tư đang vận hành cũng đã được làm thành người nhận để nhận việc truyền tin từ người thám hiểm. Điều đáng ngạc nhiên nhất là ở chỗ khi thời tiết xấu, các thiết bị không dây không làm việc, nhưng người đồng này vẫn nhận được tin tức mà không khó khăn gì. Khi so sánh các nhật kí về sau người ta mới thấy rằng tám mươi đến chín mươi phần trăm thời gian tín hiệu được nhận bởi người đồng này là đúng, trong khi các tin tức truyền qua ra dio, không sẵn có trong hơn bẩy mươi hai phần trăm thời gian, bởi vì có nhiều lần bị đứt đoạn. Bây giờ Nga và Mĩ cả hai nước này đều rất hăng hái, và rất nhiều công việc đang được tiến hành trong lĩnh vực viễn cảm, thiên nhãn, qua việc phóng chiếu và qua việc đọc. Tất cả những điều này đều là khả năng của thể thứ tư. Mơ là phẩm chất tự nhiên của nó; thấy chân lí, thấy cái thực, là khả năng tối thượng của nó. Anahat là luân xa của thể thứ tư này.
Luân xa thứ năm là vishuddhi. Nó nằm ở cổ họng. Thể thứ năm là thể tâm linh. Luân xa vishuddhi được nối với thể tâm linh. Bốn thể đầu và luân xa của chúng đều được chia làm đôi. Nhị nguyên chấm dứt với thể thứ năm.
Như tôi đã nói trước đây, sự khác biệt giữa nam và nữ kéo dài cho tới thể thứ tư; sau đó nó chấm dứt. Nếu ta quan sát thật kĩ, tất cả các nhị nguyên đều thuộc về nam hay nữ. Khi khoảng cách giữa nam và nữ không còn nữa, tại đúng điểm đó tất cả nhị nguyên đều dừng lại. Thể thứ năm là bất nhị. Nó không có hai khả năng mà chỉ có một.
Đây là lí do tại sao không có nhiều nỗ lực cho thiền nhân để thực hiện: bởi vì tại đây không có gì mâu thuẫn để phát triển; tại đây người ta chỉ phải đi vào. Vào lúc chúng ta đạt tới thể thứ tư, chúng ta phát triển nhiều khả năng và sức mạnh đến mức rất dễ dàng đi vào thể thứ năm. Trong trường hợp đó làm sao chúng ta có thể biết được sự phân biệt giữa người đã đi vào thể thứ năm và người chưa đi vào? Sự khác biệt sẽ là ở chỗ người đã đi vào thể thứ năm, hoàn toàn loại bỏ mọi vô ý thức. Người đó thực tế sẽ không ngủ ban đêm. Tức là, người đó ngủ nhưng chỉ một mình thân thể người đó ngủ thôi; ai đó bên trong tỉnh thức mãi mãi. Nếu người đó trở mình trong giấc ngủ, người đó biết điều đó; nếu người đó không trở mình trong giấc ngủ, người đó cũng biết điều đó. Nếu người đó đắp chăn, người đó biết điều đó; nếu người đó không đắp chăn thế thì người đó cũng biết điều đó. Nhận biết của người đó không bị giảm bớt trong giấc ngủ; người đó tỉnh thức cả hai mươi bốn giờ. Với người còn chưa đi vào thể thứ năm, trạng thái của người đó lại là đối lập lại. Trong giấc ngủ người đó ngủ, và trong những giờ tỉnh vẫn còn một tầng của người đó sẽ ngủ.
Mọi người dường như là làm việc. Khi bạn về nhà vào mọi tối, chiếc xe ô tô rẽ trái vào cổng nhà bạn; bạn đạp phanh khi bạn tiến tới cổng vòm. Bạn đừng ảo tưởng rằng bạn đang làm tất cả những điều này một cách có ý thức. Nó xảy ra một cách vô ý thức bởi một lực hoàn toàn thói quen. Chỉ trong những khoảnh khắc nào đó, những khoảnh khắc nguy hiểm lớn, chúng ta mới thực sự đi vào sự tỉnh táo. Khi nguy hiểm lớn đến mức không thể thiếu được sự tỉnh táo, chúng ta thức tỉnh. Chẳng hạn, nếu một người chĩa dao vào ngực bạn, bạn sẽ nhảy vào ý thức. Cái điểm dao chĩa trong khoảnh khắc đó đưa bạn thẳng vào thể thứ năm. Với ngoại lệ của những khoảnh khắc này trong cuộc sống của mình, chúng ta sống giống như người mộng du.
Vợ không thấy đúng khuôn mặt của chồng mà chồng cũng chẳng thấy khuôn mặt vợ. Nếu chồng cố gắng quán tưởng khuôn mặt vợ, anh ta sẽ không thể nào làm được như vậy. Các đường nét khuôn mặt cô ấy sẽ bắt đầu lẩn đi và sẽ khó nói liệu đấy là cùng khuôn mặt mà anh ta đã thấy trong ba mươi năm qua hay không. Bạn chưa bao giờ thấy được, bởi vì phải có người thức tỉnh bên trong bạn để thấy.
Người đang "thức tỉnh" dường như là thấy đấy nhưng thực tế người đó không thấy - bởi vì người đó đang ngủ bên trong, đang mơ, và mọi thứ cứ tiếp diễn trong trạng thái mơ này. Bạn giận dữ, thế rồi bạn nói, "Tôi không biết làm sao tôi phát cáu; tôi đâu có muốn thế." Bạn nói, "Tôi xin lỗi! Tôi không muốn thô lỗ, điều ấy buột ra khỏi mồm." Bạn hay dùng lời lẽ tục tĩu và chính bạn lại từ chối ý định dùng nó. Kẻ tội đồ bao giờ cũng nói, "Tôi không muốn giết người. Việc ấy xảy ra bất chấp tôi." Điều ấy chứng tỏ chúng ta như cái máy tự động. Chúng ta nói điều ta không muốn nói; chúng ta làm điều ta không muốn làm.
Mọi tối chúng ta nguyện sẽ dậy vào bốn giờ sáng. Nhưng khi bốn giờ sáng và chuông báo thức reo, chúng ta lại chuyển ý nói chẳng cần phải dậy sớm thế. Thế rồi bạn dậy vào lúc sáu giờ và tràn đầy hối hận vì đã ngủ quá. Thế rồi bạn lại thề giữ cùng lời nguyện như ngày hôm qua. Thật kì lại rằng người quyết định một điều vào buổi tối và không giữ lời hứa vào buổi sáng! Thế thì điều người đó quyết định vào lúc bốn giờ sáng lại bị thay đổi so với trước vào lúc sáu giờ, và điều người đó quyết định lúc sáu giờ lại thay đổi rất lâu trước buổi tối, và ở khoảng giữa người đó thay đổi hàng nghìn lần. Những quyết định này, ý nghĩ này, tới chúng ta trong trạng thái ngủ. Chúng cũng tựa như giấc mơ vậy: chúng mở rộng và nổ tựa như bong bóng. Không có người tỉnh thức đằng sau chúng - không ai tỉnh táo và có ý thức.
Cho nên ngủ là điều kiện bẩm sinh trước khi bắt đầu bình diện tâm linh. Con người là kẻ mộng du trước khi người đó đi vào thể thứ năm, và tại đó phẩm chất là thức tỉnh. Do đó, sau khi trưởng thành từ thể thứ tư chúng ta có thể gọi một cá nhân là phật, người thức tỉnh. Bây giờ một người như thế là thức tỉnh. Phật không phải là tên của Gautam Siddharth mà là cái tên được đặt cho ông ấy sau khi ông ấy đạt tới bình diện thứ năm. Phật Gautama có nghĩa là Gautam người đã thức tỉnh. Tên ông ấy vẫn còn là Gautam, nhưng đấy chỉ là cái tên của người ngủ cho nên dần dần nó bị bỏ đi và chỉ còn lại Phật.
Sự khác biệt này tới với việc đạt tới thể thứ năm. Trước khi chúng ta đi vào trong nó, bất kì điều gì chúng ta làm đều là hành động vô ý thức không thể tin cậy được. Khoảnh khắc này một người nguyện sẽ yêu đương và trìu mến người yêu mình cả đời rồi đến khoảnh khắc tiếp người đó hoàn toàn có khả năng bóp chết cô ấy. Mối thông gia mà người đó hứa cho cả đời không kéo dài cho lắm. Con người đáng thương này không nên bị trách cứ. Đâu là giá trị của lời hứa được đưa ra trong giấc ngủ? Trong mơ tôi có thể hứa, "Đây là mối quan hệ cả đời." Lời hứa này có giá trị gì? Vào buổi sáng tôi sẽ phủ nhận nó bởi vì đấy chỉ là mơ.
Không thể tin cậy vào người đang ngủ được. Thế giới này của chúng ta hoàn toàn là thế giới của người ngủ; do đó, biết bao nhiêu là lẫn lộn, biết bao nhiêu là xung đột, biết bao nhiêu là tranh cãi, biết bao nhiêu là hỗn loạn. Tất cả nó đều là việc làm của những người đang ngủ.
Có một khác biệt quan trọng khác giữa người ngủ và người đã thức tỉnh mà chúng ta nên nhớ trong tâm. Người ngủ không biết mình là ai, cho nên người đó bao giờ cũng cố gắng chứng tỏ cho người khác rằng mình là thế này hay mình là thế nọ. Đây là nỗ lực cả đời của người đó. Người đó cố gắng theo cả nghìn cách để chứng tỏ bản thân mình. Đôi khi người đó leo lên chiếc thang chính trị và tuyên bố, "Tôi là như thế và như thế." Đôi khi người đó xây nhà và trưng bày của cải của mình, hay người đó trèo lên núi và thể hiện sức mạnh của mình. Người đó cố gắng theo đủ mọi cách để chứng tỏ bản thân mình. Và trong tất cả những nỗ lực đó thực tế người đó không chủ ý cố gắng tìm ra cho bản thân mình xem mình là ai. Người đó chẳng biết mình là ai cả.
Trước khi đi qua bình diện thứ tư chúng ta không thể nào tìm được câu trả lời. Thể thứ năm được gọi là thể tâm linh bởi vì tại đó bạn thu được câu trả lời cho việc truy tìm "Tôi là ai?" Việc nhắc tới cái ‘tôi’ dừng lại một lần cho mọi lần trên bình diện này; tuyên bố là ai đó đặc biệt tan biến ngay lập tức. Nếu bạn nói với người như vậy, "Anh là như vậy và như vậy,", người đó sẽ cười. Tất cả mọi lời tuyên bố từ phía người đó bây giờ sẽ dừng lại, bởi vì bây giờ người đó biết. Không còn bất kì nhu cầu nào để chứng tỏ bản thân mình, bởi vì mình là ai bây giờ là sự kiện đã được chứng minh.
Những xung đột và vấn đề của cá nhân chấm dứt ở bình diện thứ năm. Nhưng bình diện này có những hiểm nguy của riêng nó. Bạn đã đi tới biết về bản thân mình, và việc biết này phúc lạc và mãn nguyện đến mức bạn có thể muốn kết thúc cuộc hành trình của mình tại đây. Bạn có thể không cảm thấy cần phải tiếp tục nữa. Mối hiểm nguy mà đã có cho tới nay tất cả đều là đau đớn và đau khổ; bây giờ hiểm nguy bắt đầu lại là phúc lạc. Bình diện thứ năm phúc lạc đến độ bạn sẽ không còn đành lòng rời bỏ nó và đi thêm nữa. Do đó, những cá nhân đi vào bình diện này phải rất tỉnh táo về việc níu bám vào phúc lạc để cho nó không cản trở người đó đi thêm nữa. Tại đây phúc lạc là tối cao và tại đỉnh vinh quang của nó; nó là trong chiều sâu sâu lắng nhất. Một biến đổi lớn tới bên trong cho người đã biết tới bản thân mình. Nhưng điều này không phải là tất cả; còn phải đi thêm nữa.
Sự kiện là ở chỗ thất vọng và đau khổ không cản trở con đường chúng ta nhiều như niềm vui. Phúc lạc là rất cản trở. Việc rời bỏ đám đông và sự lẫn lộn của bãi chợ đã khó, nhưng lại còn một nghìn lần khó hơn nữa để rời bỏ âm nhạc dịu dàng của đàn veena trong đền đài. Đây là lí do tại sao nhiều thiền nhân dừng lại tại atma gyan, việc nhận ra cái ta, và không tiến lên Brahma gyan, kinh nghiệm về Brahman - thực tại vũ trụ.
Chúng ta sẽ phải tỉnh táo về phúc lạc này. Nỗ lực của chúng ta ở đây phải là không bị mất hút trong phúc lạc này. Phúc lạc kéo chúng ta về bản thân nó; nó nhấn chìm chúng ta; chúng ta hội nhập vào nó hoàn toàn. Đừng trở nên bị hội nhập vào trong phúc lạc. Hãy biết rằng điều này nữa cũng là một kinh nghiệm. Hạnh phúc là một kinh nghiệm, khốn khổ là một kinh nghiệm; phúc lạc nữa cũng là một kinh nghiệm. Hãy đứng ngoài nó, hãy là nhân chứng. Chừng nào còn kinh nghiệm thì vẫn còn chướng ngại: điểm cuối tối thượng vẫn còn chưa đạt tới. Tại trạng thái tối thượng tất cả các kinh nghiệm chấm dứt. Niềm vui và nỗi buồn đi tới kết thúc, cả phúc lạc cũng vậy. Tuy nhiên ngôn ngữ của chúng ta không vượt được ra ngoài điểm này. Đây là lí do tại sao chúng ta đã mô tả Thượng đế là sat-chit-ananda - chân lí-tâm thức-phúc lạc. Đây không phải là dạng của cái ta tối thượng, nhưng đây là điều tối thượng mà lời có thể diễn tả được. Phúc lạc là cách biểu diễn tối thượng của con người. Thực tế, lời không thể vượt ra ngoài bình diện thứ năm. Nhưng về bình diện thứ năm chúng ta có thể nói, "Phúc lạc có đấy; có thức tỉnh hoàn hảo; có việc nhận ra cái ta ở đó." Tất cả điều này có thể được mô tả.
Do đó, sẽ không có bí ẩn về những người dừng lại tại bình diện thứ năm. Việc nói của họ sẽ có vẻ rất khoa học bởi vì thực tại của bí ẩn nằm bên ngoài bình diện này. Mọi thứ đều rất rõ ràng cho tới bình diện thứ năm. Tôi tin rằng khoa học chẳng chóng thì chầy sẽ hấp thu những tôn giáo lên tới thể thứ năm, bởi vì khoa học có khả năng đạt tới atman.
Khi người tìm kiếm lên đường trên con đường này việc tìm kiếm của người đó chủ yếu là về phúc lạc và không phải là chân lí. Bị thất vọng bởi đau khổ và bất ổn người này lên đường tìm kiếm phúc lạc. Cho nên người tìm kiếm phúc lạc, nhất định sẽ dừng lại tại bình diện thứ năm; do đó, tôi phải bảo bạn hãy tìm kiếm không phải phúc lạc mà là chân lí. Thế thì bạn sẽ không còn lại lâu ở đó.
Thế thì một câu hỏi nảy sinh: "Có ananda: điều này là tốt và tốt lành. Mình biết bản thân mình: điều này nữa cũng là tốt và tốt lành. Nhưng những điều này chỉ là lá và hoa. Gốc rễ ở đâu? Mình biết bản thân mình, mình là phúc lạc - điều đó là tốt, nhưng mình phát sinh từ đâu? Gốc rễ mình ở đâu? Từ đâu mình tới đây? Đâu là chiều sâu của sự tồn tại của mình? Từ đại dương nào có con sóng này mà mình nảy sinh ra?"
Nếu cuộc truy tìm của bạn là về chân lí bạn sẽ tiến tới thể thứ năm. Do đó ngay từ ban đầu, cuộc truy tìm của bạn nên là về chân lí chứ không phải là phúc lạc; bằng không, cuộc hành trình của bạn tới bình diện thứ năm sẽ dễ dàng nhưng bạn sẽ dừng lại ở đó. Nếu việc truy tìm là về chân lí, không có vấn đề dừng lại ở đó.
Cho nên chướng ngại lớn nhất trên bình diện thứ năm là niềm vui vô song mà chúng ta kinh nghiệm - và còn nhiều hơn thế bởi vì chúng ta tới từ một thế giới không có gì ngoài đau đớn, đau khổ, lo âu và căng thẳng. Thế thì, khi chúng ta đạt tới ngôi đền này của phúc lạc, có ham muốn tràn ngập để nhảy múa với cực lạc, được nhấn chìm, được mất hút trong phúc lạc này. Đây không phải là chỗ để mất hút. Chỗ đó rồi sẽ tới, và thế thì bạn sẽ không phải làm mất bản thân mình; bạn sẽ đơn giản mất đi. Có khác biệt lớn lao giữa đánh mất bản thân mình và bị mất hút. Nói cách khác, bạn sẽ đạt tới chỗ mà cho dù bạn muốn bạn cũng không thể cứu được bản thân mình. Bạn sẽ thấy bản thân mình trở nên bị mất đi; không phương cứu chữa. Vậy mà ở đây tại thể thứ năm bạn cũng có thể làm mất bản thân mình. Nỗ lực của bạn, cố gắng của bạn, vẫn có tác dụng ở đây - và cho dù bản ngã đã chết thực sự ở bình diện thứ năm, nhưng cái-tôi-đây vẫn còn dai dẳng. Do đó cần phải hiểu sự khác biệt giữa bản ngã và cái-tôi-đây.
Bản ngã, cảm giác về ‘tôi’, sẽ chết, nhưng cảm giác về ‘đây’ vẫn chưa chết. Có hai điều trong "tôi đây," cái ‘tôi’ là bản ngã còn cái ‘đây’ là asmita - cảm giác về sự hiện hữu. Cho nên cái ‘tôi’ sẽ chết trên bình diện thứ năm, nhưng sự hiện hữu, cái ‘đây’, sẽ còn lại: tôi-đây sẽ còn lại. Đứng trên bình diện này, thiền nhân sẽ tuyên bố, "Có vô hạn linh hồn và từng linh hồn đều khác lẫn nhau và tách biệt nhau." Trên bình diện này thiền nhân sẽ kinh nghiệm sự tồn tại của vô hạn linh hồn, bởi vì người đó vẫn còn cảm thấy cái đây, cảm thấy sự hiện hữu mà làm cho người đó cảm thấy tách rời người khác. Nếu việc truy tìm chân lí hiểu thấu tâm trí, chướng ngại của phúc lạc có thể bị vượt qua - bởi vì phúc lạc không dừng trở thành chán ngắt. Một giai điệu đơn độc có thể trở thành tẻ nhạt.
Bertrand Russel có lần đã nói đùa: "Tôi không bị hấp dẫn với giải thoát, bởi vì tôi nghe nói chẳng có gì ngoài phúc lạc ở đó. Một mình phúc lạc sẽ rất đơn điệu - phúc lạc và phúc lạc mà chẳng có gì khác cả. Nếu không có một dấu hiệu về bất hạnh - không lo âu, không căng thẳng trong nó - làm sao người ta có thể chịu đựng được phúc lạc như vậy?"
Bị mất hút trong phúc lạc là nguy hiểm của bình diện thứ năm. Nó rất khó vượt qua. Đôi khi phải mất nhiều lần sinh thành để làm như vậy. Bốn bước đầu không khó lắm để vượt qua, nhưng bước thứ năm là rất khó. Nhiều lần sinh thành có thể cần phải có để cho chán phúc lạc, để cho chán cái ta, để cho chán atman.
Cho nên việc truy tìm cho tới thể thứ năm vẫn là để gạt bỏ đau đớn, hận thù, bạo hành và ham muốn. Sau thể thứ năm việc tìm kiếm là để gạt bỏ cái ta. Cho nên có hai điều: thứ nhất là tự do khỏi cái gì đó; đây là một điều và nó được hoàn tất tại bình diện thứ năm. Điều thứ hai là tự do khỏi cái ta, và do vậy một thế giới hoàn toàn mới bắt đầu từ đây.
Thể thứ sáu là Brahma sharira, thể vũ trụ, và luân xa thứ sáu là luân xa agya. Tại đây không có nghị nguyên. Kinh nghiệm về phúc lạc trở nên mạnh mẽ ở bình diện thứ năm và kinh nghiệm về sự tồn tại, về hiện hữu, là ở bình diện thứ sáu. Asmita bây giờ sẽ bị mất - tôi đây. Cái tôi trong điều này bị mất tại bình diện thứ năm và cái đây sẽ ra đi ngay khi bạn siêu việt lên trên bình diện thứ năm. Cái có đây sẽ được cảm thấy; tathata, cái như thế sẽ được cảm thấy. Không đâu còn cái cảm giác về tôi hay đây; chỉ cái đang đó còn lại. Cho nên ở đây sẽ là sự cảm nhận về thực tại, về hiện hữu - cảm nhận về tâm thức. Nhưng ở đây tâm thức tự do với tôi; nó không còn là tâm thức của tôi. Nó chỉ là tâm thức - không còn là sự tồn tại của tôi, mà chỉ là sự tồn tại.
Một số thiền nhân dừng lại sau khi đạt tới Brahma sharira, thể vũ trụ, bởi vì trạng thái của "Tôi là Brahman" đã tới - trạng thái của "Aham Brahmasmi," khi tôi không có đó mà chỉ có Brahman. Bây giờ cái gì có đấy nữa để mà tìm kiếm? Cái gì phải được tìm? Chẳng gì còn lại để mà tìm kiếm cả. Bây giờ mọi thứ đều đã đạt tới. Brahman nghĩa là toàn bộ. Người đứng tại điểm này nói, "Brahman là chân lí tối thượng, Brahman là thực tại vũ trụ. Chẳng có gì vượt ra ngoài nữa."
Có thể dừng lại ở đây, và người tìm kiếm quả có dừng lại tại giai đoạn này hàng triệu lần sinh thành, bởi vì dường như là chẳng còn gì phía trước nữa. Cho nên Brahma gyani, người đã đạt tới việc nhận ra Brahman, sẽ bị mắc kẹt ở đây; người đó sẽ không đi thêm nữa. Điều này khó khăn thế để vượt qua vì chẳng có gì để vượt qua cả. Mọi thứ đều đã được bao quát. Người ta không cần một không gian để đi vào sao? Nếu tôi muốn đi ra ngoài căn phòng này phải có chỗ nào đó khác để đi chứ. Nhưng căn phòng bây giờ đã trở nên khổng lồ, vô thuỷ vô chung, vô hạn, vô biên tới mức chẳng có đâu mà đi cả. Cho nên chúng ta sẽ đi tìm kiếm ở đâu? Chẳng cái gì còn lại để được tìm kiếm; mọi thứ đều đã được bao quát cả rồi. Cho nên cuộc hành trình có thể dừng lại tại giai đoạn này cho vô hạn lần sinh thành.
Cho nên Brahman là chướng ngại tối thượng - rào chắn cuối cùng trong cuộc truy tìm tối thượng của người tìm kiếm. Bây giờ chỉ hiện hữu là còn lại, nhưng vô hiện hữu, vẫn còn phải được hiểu. Hiện hữu, cái đây, đã được biết tới, nhưng vô hiện hữu vẫn còn cần được nhận ra - cái không có vẫn còn phải được biết. Do đó, bình diện thứ bảy là nirvana kaya, thể niết bàn, và luân xa của nó là sahasrar. Chẳng điều gì có thể nói được liên quan tới luân xa này. Chúng ta chỉ có thể tiếp tục nói nhiều nhất cho tới bình diện thứ sáu - và điều đó nữa cũng là rất khó khăn rồi. Phần lớn trong đó đều sẽ trở thành sai.
Cho tới thể thứ năm, việc tìm kiếm diễn ra bên trong phương pháp rất khoa học; mọi thứ đều có thể được giải thích. Tại bình diện thứ sáu chân trời bắt đầu mờ nhạt đi; mọi thứ dường như vô nghĩa. Hướng dẫn vẫn có thể được cho nhưng chung cuộc ngón tay chỉ cũng mất và hướng dẫn cũng không còn nữa bởi vì sự hiện hữu riêng của người ta bị xoá bỏ. Cho nên Brahman, hiện hữu tuyệt đối, được biết tới từ thể thứ sáu và luân xa thứ sáu.
Do đó những người tìm kiếm Brahman sẽ thiền về luân xa agya nằm ở giữa hai con mắt. Luân xa này được nối với thể vũ trụ. Những người làm việc hoàn toàn trên luân xa này sẽ bắt đầu nhớ tới sự mở rộng vô hạn bao la mà họ chứng kiến con mắt thứ ba. Đây là con mắt thứ ba mà từ đó bây giờ họ có thể xem vũ trụ, cái vô hạn.
Một cuộc hành trình nữa vẫn còn lại - cuộc hành trình vào vô hiện hữu, vô tồn tại. Sự tồn tại chỉ mới là một nửa câu chuyện: còn có cả vô tồn tại. Ánh sáng có, nhưng phía bên kia có bóng tối. Cuộc sống là một phần, nhưng cũng có cái chết. Do đó, cũng cần biết cái vô tồn tại còn lại, cái hư không, vì chân lí tối thượng chỉ có thể được biết khi đã biết cả hai được biết - sự tồn tại và sự vô tồn tại. Hiện hữu được biết trong tính toàn bộ của nó và vô hiện hữu cũng được biết trong tính toàn bộ của nó: thế thì việc biết là đầy đủ. Sự tồn tại được biết trong tính toàn bộ và sự vô tồn tại cũng được biết trong tính toàn bộ của nó: thế thì chúng ta biết cái toàn thể; bằng không kinh nghiệm của chúng ta là không đầy đủ. Có bất hoàn hảo trong brahma gyan, mà đó là việc không thể nào biết được cái vô hiện hữu. Do đó, brahma gyani phủ nhận rằng có những điều như vô tồn tại và gọi nó là ảo tưởng. Người đó nói rằng nó không tồn tại. Người đó nói rằng hiện hữu là chân lí còn không hiện hữu là giả dối. Đơn giản không có điều như vậy, cho nên vấn đề biết nó không nảy sinh.
Nirvana kaya, thể niết bàn, có nghĩa là shunya kaya, cái hư không mà từ đó chúng ta nhảy từ hiện hữu vào vô hiện hữu. Trong thể vũ trụ cái gì đó vẫn còn chưa được biết tới. Cái đó nữa cũng phải được biết - không hiện hữu là gì, cái gì còn phải bị xoá sạch. Do đó, bình diện thứ bẩy theo một nghĩa nào đó là cái chết tối hậu. Niết bàn, như tôi đã nói với các bạn trước đây, nghĩa là sự tắt ngấm của ngọn lửa. Cái mà đã là tôi tắt ngấm rồi; cái đã là đây tắt ngấm rồi. Nhưng bây giờ chúng ta lại đi vào hiện hữu bởi việc là một với tất cả. Bây giờ chúng ta là Brahman, và điều này nữa sẽ phải bỏ đi. Người mà sẵn sàng lấy cú nhảy cuối cùng, biết cả sự tồn tại và cả sự vô tồn tại.
Cho nên có bẩy thể và bẩy luân xa, và bên trong chúng có tất cả các phương tiện cũng như rào chắn. Không có rào chắn nào ở bên ngoài. Do đó, không có nhiều lí do để mà tìm kiếm ở bên ngoài. Nếu bạn đã đi hỏi ai đó hay hiểu từ ai đó, thế thì đừng xin xỏ. Hiểu là một chuyện, xin xỏ là chuyện khác. Việc tìm kiếm của bạn bao giờ cũng nên tiếp tục. Bất kì cái gì bạn đã nghe và hiểu cũng nên được làm thành việc tìm kiếm của bạn. Đừng làm nó thành niềm tin bằng không nó sẽ thành xin xỏ.
Bạn hỏi tôi điều gì đó; tôi trao cho bạn câu trả lời. Nếu bạn tới xin của bố thí, bạn sẽ đặt câu trả lời này vào túi và cất nó đi như kho báu của mình. Thế thì bạn không phải là thiền nhân mà là kẻ ăn xin. Không, điều tôi nói với bạn nên trở thành cuộc truy tìm của bạn. Nó nên làm tăng tốc việc tìm kiếm của bạn; nó nên kích thích và động viên tính tò mò của bạn. Nó nên đẩy bạn vào khó khăn lớn, làm cho bạn bất ổn hơn và nêu ra những câu hỏi mới trong bạn, những chiều hướng mới, để cho bạn sẽ khởi hành một con đường khám phá mới. Thế thì bạn đã không lấy của bố thí từ tôi, thế thì bạn đã hiểu điều tôi nói. Và nếu điều này giúp cho bạn hiểu bản thân mình, thế thì đây không phải là xin xỏ.
Trích từ "Đi tìm điều huyền bí - tập 2"
_________________
Herenow-Consciousness-Alert